CẢNH GIÁC VỚI BỆNH ĐỐM TRẮNG TRÊN TÔM
Cuối năm nay, hiện tượng La Nina có khả năng xuất hiện trở lại, gây ra những lo ngại đáng kể cho người nuôi tôm về nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính nhưng có xu hướng nghiêng về pha lạnh với nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino 3.4 thấp hơn trung bình nhiều năm (-0,3°C vào đầu tháng 10/2024). Dự báo từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, La Nina có thể xuất hiện với xác suất 60-70%.
- ENSO là một hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu trên toàn cầu. ENSO bao gồm hai pha trái ngược nhau là El Nino và La Nina. El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hằng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. La Nina sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng Nino kết thúc.
Nhiệt độ thấp do La Nina tạo ra là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng, phát triển. Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết bệnh đốm trắng là một trong những dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến tôm nuôi trong năm nay. Đến đầu tháng 10, đã có hơn 1.400 ha tôm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
(Bệnh đốm trắng gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ảnh: Internet)
Mặc dù bệnh đốm trắng đã được biết đến từ lâu, nhưng hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là điều bắt buộc đối với người nuôi tôm, đặc biệt trong bối cảnh nuôi tôm trái vụ ở các tỉnh phía Nam khi thời tiết đang trong mùa mưa nhiều.
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH ĐỐM TRẮNG TRONG MÙA LA NINA
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL đang bước vào giai đoạn nuôi trái vụ, nhưng mưa lớn kéo dài lại làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm. Để đảm bảo an toàn khi thả nuôi trong quý 4, bà con cần thường xuyên theo dõi các thông số như nhiệt độ, độ mặn, pH và nồng độ oxy hòa tan trong ao. Người nuôi nên lắp đặt các thiết bị đo đạc tự động để phát hiện kịp thời các biến động bất thường.
(Theo dõi các chỉ số của môi trường ao nuôi. Ảnh: Tomota)
Tomota A3 là giải pháp tiên tiến giúp người nuôi tôm quản lý chất lượng nước ao nuôi hiệu quả nhờ sở hữu những tính năng vượt trội, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nuôi tôm. Dựa trên công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến bằng trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tự động phân tích hình ảnh và cung cấp kết quả phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước ao nuôi một cách nhanh chóng và chính xác.
Đối với vùng ven biển, cần cân đối lượng nước ngọt và nước biển đưa vào ao nhằm duy trì độ mặn ổn định, tạo điều kiện cho tôm thích nghi tốt hơn trong thời điểm giao mùa. Khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc mưa lớn, oxy trong ao có thể giảm đột ngột. Lúc này, việc sử dụng các thiết bị sục khí là rất cần thiết, đặc biệt vào ban đêm khi lượng oxy thường sụt giảm mạnh.
Để tăng cường sức khỏe cho tôm, bà con nên sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, bổ sung khoáng chất và vitamin để nâng cao đề kháng. Những sản phẩm hỗ trợ miễn dịch chứa vitamin C, E và các chất chống oxy hóa cũng rất hữu ích trong việc bảo vệ tôm trước nguy cơ nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, trong thời điểm giao mùa, việc thay nước thường xuyên để loại bỏ chất hữu cơ và bùn bẩn tích tụ sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Làm sạch ao và hút bùn đáy định kỳ cũng giúp cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi.
(Làm sạch ao và hút bùn đáy định kỳ cũng giúp cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi. Ảnh: Internet)
Ngoài ra, các chế phẩm sinh học chứa lợi khuẩn có thể được sử dụng để cạnh tranh và ức chế vi khuẩn gây hại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm. Trước khi thả nuôi, bà con cần chú trọng cải tạo ao kỹ lưỡng, loại bỏ giáp xác và chọn con giống sạch bệnh từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.
(Người nuôi tôm cần chọn tôm giống tốt, sạch bệnh từ các nhà cung cấp uy tín. Ảnh: Tomota)
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học và quản lý chặt chẽ chất lượng nước, đặc biệt với sự hỗ trợ của vi sinh trong xử lý nước, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả nuôi trồng.