LÝ DO XUẤT KHẨU TÔM CHỈ ĐẠT 3 TỶ USD TRONG 2023
Với 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt doanh số hơn 1,2 tỷ USD, giảm đến gần 34% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong năm nay Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 84 thị trường.
Tại thị trường xuất khẩu chủ lực là Hoa Kỳ, ghi nhận lượng tôm nhập khẩu đạt 226 triệu USD giảm đến 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do mức giá tôm Việt Nam đưa ra cao hơn so với đối thủ như Ecuador, Indonesia và Ấn Độ, bên cạnh đó tình hình lạm phát tăng cao dẫn đến người dùng tiết kiệm chi tiết và chuyển sang ưu tiên dùng thực phẩm có mức giá rẻ hơn. Chính vì khó tiêu thụ nên lượng tồn kho còn khá nhiều, các nhà nhập khẩu tôm tại Hoa Kỳ lo sợ giá sẽ giảm nữa nên chưa dám mua thêm vào, trong khi thời gian tồn kho lâu chất lượng sản phẩm ngày càng giảm kết hợp lượng cung tăng nên dự báo giá tôm sẽ càng giảm nữa. Theo dự báo, vào các mùa lễ hội cuối năm nay nhu cầu nhập khẩu tôm tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên tuy nhiên cũng sẽ không đáng kể do lượng tồn kho vẫn còn khá nhiều.
Tại thị trường EU, những tháng đầu năm xuất khẩu tôm tại khu vực đạt 153 triệu USD giảm 49% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đồng Euro mất giá, vật giá tăng, xăng dầu tăng và người tiêu dùng cũng chi tiêu tiết kiệm hơn. Người dân bắt đầu có xu hướng chọn thực phẩm có giá rẻ với tôm cỡ nhỏ hơn. Để đảm bảo lợi nhuận, hạn chế thua lỗ nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên giải phóng lượng tồn kho trước và hạn chế nhập khẩu thêm từ bên ngoài. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador và tôm Ấn Độ. Mặc dù chất lượng con tôm Ấn Độ chưa đáp ứng được thị trường khó tính tại EU giống tôm Việt Nam nhưng đây vẫn là một đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại trong tương lai gần nếu như Việt Nam không có những chính sách và biện pháp nhằm đa dạng loại sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nhập khẩu.
Với thị trường Nhật Bản, dù ghi nhận mức nhập khẩu tôm Việt Nam giảm 27% so với với cùng kỳ nhưng tôm Việt Nam vẫn giữ được vị thế tại thị trường này, bởi Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn đầu lượng tôm nhập khẩu vào quốc gia này. Sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam vào nhật Bản là tôm giá trị gia tăng, trong khi Ecuador và Ấn Độ chưa đáp ứng được điều này. Theo dự báo, càng về cuối năm nay nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản sẽ tăng nhẹ.
Với thị trường Trung Quốc, đặc biệt tại Hồng Kông ghi nhận nhập khẩu tôm giảm 22% và chỉ đạt 214 triệu USD. Từ tháng 8 trở đi, dự kiến Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu tôm để phục vụ dịp Quốc Khánh, Trung Thu và các dịp lễ hội vào cuối năm.
Tại thị trường Hàn Quốc, lượng xuất khẩu tôm vào thị trường này giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát, lãi suất tăng kết hợp đồng tiền mất giá nên người dân cũng cân nhắc chi tiêu tiết kiệm hơn trước.
Tôm chính là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với kim ngạch chiếm từ 40-50% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản. So với sự báo đầu quý I năm 2023 thì ngành tôm hiện tại đang dần có dấu hiệu khởi sắc hơn, khi mà các nước nhập khẩu đang có xu hướng tăng lượng nhập khẩu tôm so với các tháng trước đó vào dịp cuối năm này.