MẤT TRẮNG HÀNG CHỤC TỶ ĐỒNG VÌ NUÔI TÔM NHIỄM BỆNH
Ô nhiễm môi trường và dịch bệnh là hai trong những kẻ thù luôn hiện hữu đe doạ mùa vụ của người nông dân. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thiệt hại to lớn cho nhiều bà con tại Thừa Thiên Huế vừa qua.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay trên tổng 44 ha diện tích tôm nuôi bị bệnh, thì có gần 16 ha bị bệnh đốm trắng và 28 ha là do tác động điều kiện môi trường. Các ao nuôi bị nhiễm bệnh được ghi nhận thường nằm san sát nhau tại các huyện trọng điểm nuôi tôm như Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, … đã gây nên thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo phối hợp với các phòng ban và chính quyền địa phương, cử các cán bộ kỹ thuật xuống tận ao nuôi tại các địa bàn để tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng vùng nuôi, xử lý các ao tôm bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, địa phương đã phân bổ hơn 10 tấn hóa chất Chlorine được dự trữ quốc gia bởi Bộ, nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, để phòng ngừa dịch bệnh thì bên cạnh công tác từ phía Chi cục và ban ngành, các hộ dân cũng như các cơ sở nuôi tôm cần làm tốt công tác cải tạo ao nuôi, tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ nước trong ao nuôi và dụng cụ liên quan trước khi cấp nước vào ao. Đối với những ao bị dịch bệnh, không nên tiếp tục thả nuôi mà cần chuyển sang nuôi trồng loại hình thuỷ sản khác để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Theo đó, bà con nuôi tôm tại khu vực cũng được khuyến nghị cần chú trọng lựa chọn những loại tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh được mua từ các cơ sở cung cấp giống uy tín. Ngoài ra, mật độ thả nuôi cũng cần được kiểm soát tốt, nên thả ở mật độ thích hợp, với lượng chế phẩm sinh học được phân bổ hợp lý, thường xuyên theo dõi, giám sát tốc độ tăng trưởng của tôm để phát hiện sớm dịch bệnh và báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, đúng quy định.