QUẢN LÝ NHIỆT ĐỘ AO NUÔI TÔM HIỆU QUẢ
Đối với tình trạng thời tiết nắng nóng
Thời tiết nắng nóng có thể khiến cho nước bốc hơi nhanh làm ao cạn nước, gây nên sự gia tăng nhiệt độ nước cũng như gia tăng độ mặn và độ pH. Đối với tôm khi ở trong nước gặp phải những biến đổi đột ngột sẽ trở nên khó thích ứng kịp, dẫn đến sức khỏe kém đi và dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời sẽ gia tăng lượng vi khuẩn và chất thải trong môi trường nước, khiến tôm bị thiếu oxy. Bà con nên kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện điểm bất thường và xử lý ngay.
Trong ao nuôi tôm nhiệt độ thích hợp dao động từ 27-31 độ C, những ngày nắng nóng nhiệt độ ao nuôi có thể lên đến 33 độ C. Để hạn chế tối đa thiệt hại có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Sử dụng lưới che chắn bên trên đồng thời chạy quạt và oxy đáy liên tục để hạn chế phân tầng nhiệt độ và ánh nắng chiếu xuống hồ nuôi.
- Chủ động duy trì mực nước trong ao nuôi và sử các biện pháp để điều chỉnh và giảm độ mặn ao nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra mực nước để đảm bảo mức đạt phù hợp.
- Đo và duy trì độ PH trong ao bằng cách bón vôi công nghiệp luôn ở khoảng 7.5 đến 8.5
Đối với tình trạng thời tiết nhiều mưa
Mưa nhiều có thể dẫn tới tình trạng nhiệt độ nước ao nuôi phân tầng, nồng độ ion và độ PH giảm xuống. Điều này tác động tiêu cực đến môi trường sống của tôm và giảm khả năng phát triển và sinh trưởng bình thường của tôm. Nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy này bà con cần thực hiện một số giải pháp:
- Bà con chú ý nên rải vôi xung quanh bờ ao khoảng 15-20kg/100 mét vuông trước khi trời mưa. Điều này sẽ giúp duy trì độ pH, hàm lượng ion hòa tan ổn định và độ cứng trong nước.
- Lắp đặt hệ thống ống rút nước ở tầng mặt và liên tục chạy quạt, oxy để hạn chế tình trạng phân tầng oxy, nhiệt độ.
- Nếu tình trạng mưa kéo dài trong thời gian dài, nên giảm lượng cho ăn xuống dưới 30%. Cần phải đảm bảo độ oxy hòa tan và độ pH luôn ổn định và phù hợp với tôm.
- Ngoài ra lượng nước mưa tăng lên có thể giảm độ mặn của nước đột ngột nên để hạn chế sự ảnh hưởng của mưa đến độ mặn thì bà con nên để ý mực nước và kiểm tra nguồn nước lấy vào phải có độ mặn thích hợp.
Đối với tình trạng trời trở lạnh
- Sức ăn của tôm sẽ giảm mạnh khi thời tiết trở nên lạnh làm hạ thấp nhiệt độ của ao nuôi, để có thể cải thiện điều này cần khắc phục ngay tình trạng bị phân tầng nhiệt độ.
- Tăng tần suất sục khí để đảm bảo các tầng nước được cung cấp đủ oxy.
- Vào mùa lạnh tôm thường ăn ít hơn các mùa khác nên cần điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn cho tôm. Tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây nên nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và dẫn đến bệnh tôm.
- Thực hiện việc kiểm tra nhiệt độ nước mỗi ngày nhằm phát hiện để có thể kịp thời bổ sung vôi nóng làm tăng nhiệt độ. Chú ý đến liều lượng vôi để không làm ảnh hưởng đến độ pH và độ kiềm.
- Cần xây dựng đáy ao nuôi sâu hơn và sử dụng bạt để chắn gió đối với những vùng ao nuôi đón gió mùa đông bắc.
Trên đây là những cách giúp bà con có thể quản lý ao nuôi tôm hiệu quả và tránh được những thiệt hại đáng tiếc từ môi trường.