XUẤT KHẨU TÔM SANG MỸ VÀ TRUNG QUỐC ĐANG “ẤM LÊN"
Sau 6 tháng đầu năm liên tục ghi nhận tình hình xuất khẩu tôm tăng trưởng âm, theo thống kê mới nhất, trong tháng 7 năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc đạt tăng trưởng dương với mức tăng 14%.
So với tháng 7 năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông tăng đến 49% và đạt 57 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so cả 7 tháng đầu năm thì lượng tôm xuất khẩu sang thị trường này vẫn giảm 7% so với cùng kỳ.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc cung cấp, tổng sản lượng tôm nước lợ mà quốc gia này nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 502.669 tấn, bên cạnh đó tổng giá trị nhập khẩu khẩu tăng 29% lên đạt 2,84 tỷ USD. Điều này đối với một quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu cho Trung Quốc như Việt Nam là một dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ tôm đang có xu hướng tăng mạnh mẽ hậu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID19.
Ngoài ra, nửa đầu năm nay Ecuador đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc những mặt hàng tồn kho giá rẻ, trong khi tình hình thu hoạch tại quốc gia này thời gian tới sẽ bị hạn chế nhiều bởi yếu tố thời tiết, do đó nguồn hàng tôm xuất khẩu của Ecuador sang Trung Quốc vào những tháng cuối năm sẽ giảm bớt. Chính vì thế, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc vào những dịp lễ hội cuối năm nay sẽ khả quan hơn so với những tháng đầu năm vừa qua.
Đối với tình hình xuất khẩu tôm sang Mỹ tháng 7 năm 2023 cũng ghi nhận tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 76 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 361.693 tấn tôm tương đương trị giá 3 tỷ USD giảm 18% về sản lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, ghi nhận giá tôm trong nửa đầu 2023 đạt 8,29 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái (9,52 USD/kg).
Trước đây, Mỹ thường nhập khẩu tôm từ thị trường Ấn Độ, với 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận tổng 129.260 tấn tôm được nhập khẩu từ Ấn Độ vào Mỹ, sản lượng đứng đầu các nhà cung cấp tôm cho quốc gia này. Trong tháng 6, Mỹ giảm dần lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và chỉ nhập về 23.274 tấn tôm, sụt giảm 26% sản lượng và 37% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù còn đối mặt nhiều khó khăn nhưng từ số liệu tăng trưởng tốt ghi nhận tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7, có thể nhận thấy nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn đang có dấu hiệu “ấm lên".
Vào giai đoạn nửa cuối năm nay, sức cung có xu hướng giảm trong khi giá tôm cũng gần chạm đáy khiến các nhà nhập khẩu có động lực mua tích trữ. Mùa lễ hội cuối năm này, các mặt hàng chế biến sâu có xu hướng sẽ tiêu thụ mạnh hơn và đây cũng chính là lợi thế của con tôm Việt Nam trên trường thế giới.
Từ tín hiệu tích cực tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đang có sự chuẩn bị cho đợt tăng tốc vào cuối năm này, bên cạnh sự hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Chính phủ và các Bộ ngành, dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm.