Tất cả
Bệnh Tôm
Kỹ thuật
Thị trường

BỆNH HOẠI TỬ CƠ QUAN TẠO MÁU VÀ LẬP BIỂU MÔ (IHHN/ IHHNV)

TOMOTA
10:30 20/12/2022

Tên đầy đủ: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis – IHHN/ Hay Infection with infectious hypodermal and haematopoietic necrosis virus - IHHNV). 

Đối tượng nhiễm bệnh: 

Virus gây bệnh IHHNV có thể gây bệnh cho nhiều loài thuộc họ Tôm he. Tại Việt Nam bệnh thường thấy ở Tôm thẻ chân trắng và Tôm sú. Ngoài ra còn có báo cáo về bệnh xuất hiện ở Tôm xanh và một số loài tôm ở ngoài tự nhiên khác.

DẤU HIỆU LÂM SÀN:

Tôm nhiễm bệnh IHHNV có tốc độ tăng trưởng giảm từ 10 – 30% và trọng lượng tôm không ổn định. Tôm nhiễm bệnh sẽ bơi lên mặt nước, bất động sau đó quay tròn và chìm xuống đáy. Hành vi này có thể lặp lại cho đến khi tử vong. Bệnh IHHNV làm giảm sản lượng và gây thiệt hại về kinh tế vì khi thu hoạch, tôm nhiễm bệnh thường có kích thước nhỏ, không đồng đều và dị hình.

benh-hoai-tu-co-quan-tao-mau-va-lap-bieu-mo-tomota.jpgbenh-hoai-tu-co-quan-tao-mau-va-lap-bieu-mo-tomota; tomotavn;.jpg

Hình 1: Tôm nhiễm IHHNV có chủy đầu tôm bị cong biến dạng và có đốt thứ 6 dị hình

Tôm nhiễm IHHNV có chủy bị cong hoặc dị hình, các phụ bộ ở phần đầu ngực cũng có biểu hiện không bình thường, bị biến dạng, vỏ thô ráp sần sùi, râu tôm quăn queo.

benh-hoai-tu-co-quan-tao-mau-va-lap-bieu-mo-tomota.jpg
Hình 2: Tôm thẻ chân trắng nhiễm IHHNV với các dấu hiệu điển hình như chủy tôm dị hình, thân cong quẹo, phần đuôi biến dạng. Nguồn hình ảnh: DV Lightner.

IHHNV có thể tấn công tôm ở tất cả các giai đoạn sống của tôm, bao gồm trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng, tôm nhỏ và tôm bố mẹ. Trứng đẻ ra bởi những con cái bị nhiễm IHHNV với lượng vi rút cao thường không phát triển và nở được.

Ở giai đoạn postlarva (PL) và con non, tỷ lệ tử vong có thể tăng lên đến 80-90% trong hai tuần. Khi bị virus IHHNV tấn công, tôm bị giảm tính thèm ăn, có thể xảy ra hiện tượng ăn thịt đồng loại và làm tăng tỷ lệ chết của tôm. Ảnh hưởng của IHHNV khá thấp ở tôm trưởng thành, do đó bệnh IHHNV không gây chết hàng loạt nhưng nhưng khiến tôm nhỏ, hình thái biến dị và giảm chất lượng tôm khi thu hoạch.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH:

Virus gây bệnh IHHNV là một loại vi rút DNA từ chi Penstyldensovirus, họ Parvoviridae. Sự nhân lên (sao chép) của virus xảy ra trong nhân tế bào. Virus gây bệnh IHHNV là loại virus nhỏ nhất được biết đến có khả năng gây bệnh cho họ Tôm he với hạt virus (virion) có kích thước 20–22 nm, không có màng bao bọc. 

Virus IHHNV khi tấn công vào cơ thể tôm sẽ nhắm đến các tế bào ở vùng mang, biểu mô dưới vỏ, các mô liên kết, mô tạo máu, cơ quan lymphoid, tuyến antennal và dây thần kinh dưới bụng. 

Virus gây bệnh IHHNV có ít nhất 4 loại bao gồm: 

  • Loại 1 (có nguồn gốc từ Châu Mỹ và Đông Á, chủ yếu là Philippin).
  • Loại 2 (từ Đông Nam Á); 
  • Loại 3A (từ Đông Phi, Ấn Độ và Úc) 
  • Loại 3B (từ vùng Tây Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như: Madagascar, Mauritius và Tanzania).
benh-hoai-tu-co-quan-tao-mau-va-lap-bieu-mo-tomota.png
Hình 3: Hình thái hạt virus của Virus gây bệnh IHHNV. Nguồn hình ảnh: DV Lightner.

Virus thuộc loại 1 và 2 thường gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong khi đó, loại 3A và 3B không gây bệnh trên những loài tôm này nhưng một số trình tự gen di truyền của chúng lại chèn vào đoạn gen di truyền của vật chủ. Vì vậy, trong quá trình chẩn đoán phát hiện tác nhân gây bệnh cần phân biệt IHHNV gây bệnh (loại 1, 2) và không gây bệnh (loại 3A, 3B).

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN:

Tôm nhiễm IHHNV có thể được chẩn đoán qua quan sát các khuyết tật ở bụng và đầu tôm, với các biến dạng đặc trưng chủy, râu, vùng đốt ngực và vùng bụng. Khi nhiễm IHHNV nặng, vùng cơ của tôm sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và hoại tử lan rộng (xảy ra chủ yếu ở vùng cơ bụng và cơ đuôi làm phần này có màu trắng đục). 

Các đặc điểm biến dị của Tôm thẻ chân trắng khi nhiễm IHHNV còn được gọi là hội chứng dị dạng runt (RDS). Tôm thẻ chân trắng có RDS có biểu hiện lồng ngực bị cong ở 45° - 90° sang phải hoặc trái. Ngoài ra, các phân đoạn bụng bị biến dạng, gồ ghề như dạng thấu kính, ăng-ten nhăn nheo, đầu giống như bong bóng và các dị dạng dạng thấu kính khác. 

IHHNV có thể được xác định bằng phương pháp xét nghiệm mô bệnh học và realtime PCR.

CON ĐƯỜNG LÂY LAN BỆNH:

Yếu tố con giống: Do IHHNV có thể tấn công tôm ở tất cả các giai đoạn sống của tôm, việc lựa chọn con giống không cẩn thận có thể sẽ lẫn tôm mang IHHNV và lây lan cho cả ao. 

Yếu tố môi trường: IHHNV có thể xâm nhập đường nước ao nuôi từ những con tôm nhiễm bệnh lọt vào ao.

Yếu tố tiếp xúc: Khi IHHNV bùng phát, những con tôm mang mầm bệnh nếu sống sót cũng sẽ mang theo virus IHHNV trong suốt vòng đời và sẽ lây truyền virus cho thế hệ sau (lây nhiễm theo chiều dọc). IHHNV virus cũng có thể lây truyền theo chiều ngang qua đường ăn thịt đồng loại giữa tôm hoặc qua tiếp xúc với cá thể mang hoặc bị nhiễm vi rút.

Thời kỳ ủ bệnh: 5 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus và bệnh biểu hiện rõ sau 35 ngày.

XỬ LÝ AO NHIỄM BỆNH:

Trong trường hợp phát hiện ao tôm có dấu hiệu bệnh IHHNV, tôm có thể được tiêu hủy để tiến hành xử lí mầm bệnh. Nước ao có thể được xử lí bằng Chlorine nồng độ tối thiểu 70 ppm trong 15 ngày trước khi xả nước ra ngoài môi trường. Ao bệnh nên ngưng nuôi vụ mới trên 1 tháng để đủ thời gian cải tạo, sát trùng, cắt mầm bệnh.

PHÒNG TRỊ BỆNH:

Tương tự như những bệnh do virus khác, IHHNV khi xảy ra rất khó điều trị và chưa có thuốc đặc trị hiệu quả. Do đó cần tiến hành các biện pháp phòng bệnh ngay từ giai đoạn đầu trước khi bệnh IHHNV xâm nhập vào môi trường nuôi, bao gồm:

  • Sử dụng tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh. Giữ sức đề kháng tôm cao bằng cách bổ sung các lợi khuẩn và các loại vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất, các hợp chất tăng cường hệ miễn dịch như Glucan, Mannan… vào thức ăn.
  • Phương pháp tiệt trùng trứng và ấu trùng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả tại các trại sản xuất giống. 
  • Cảnh báo sớm bệnh bằng cách quan sát các khuyết tật và biến dị của tôm thường xuyên hoặc con giống có biến dị hay không.
  • Duy trì chất lượng nước ao nuôi ổn định và không làm tôm stress cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa loại virus này. Sau mỗi vụ tôm cũng cần vệ sinh và cải tạo ao sạch sẽ để bảo đảm mầm bệnh không tích tụ hoặc có nguy cơ phát sinh.

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC:

  • IHHNV được xếp vào nhóm parvovirus, tuy nhiên quá trình loài virus này nhân lên trong tế bào vật chủ khiến cho IHHNV đang được cân nhắc xếp lại vào nhóm picornavirus.
  • IHHNV có khả năng gây bệnh cho rất nhiều loài tôm thuộc Họ Tôm he, tuy nhiên Tôm he Ấn Độ và Tôm Bạc thẻ có vẻ có khả năng chống chịu lại loại virus này.
  • Tương tự WSS, tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Đây là một bệnh do virus gây ra, dùng kháng sinh không những không có tác dụng mà còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng cũng như khả năng đề kháng của tôm.

Bảng giá tôm

Đơn vị: Nghìn VNĐ - -1 - Cập nhật lúc Invalid date