BẠC LIÊU HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU XUẤT KHẨU TÔM 1 TỶ USD TRONG NĂM 2023
Chế biến thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu. Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lĩnh vực kinh tế này dần trở lại bình thường. Năm 2023, với nhu cầu thị trường gia tăng và mở rộng, các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Bạc Liêu quyết tâm đạt chỉ tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD.
BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI
Trong khoảng thời gian cuối năm 2022, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ đối mặt với việc khan hiếm tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, các doanh nghiệp còn phải trải qua những cuộc chiến cạnh tranh khắc nghiệt về giá bán và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng này gây ra không ít những khó khăn, khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2022 chỉ đạt 853 triệu USD, đạt 92,74% so với kế hoạch.
Mặc dù trải qua những khó khăn như thế nhưng các doanh nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu vẫn có những tín hiệu lạc quan, cụ thể là nhiều doanh nghiệp đã vượt khó bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Diệu - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thủy sản Thái Minh Long chia sẻ trong năm 2022, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn với những bất lợi của tình hình thế giới khi phải trải qua những thời điểm nguồn hàng xuất khẩu bị đứt gãy dẫn đến doanh thu sụt giảm ở một số thị trường. Để ứng phó với những khó khăn đó, lãnh đạo công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược cho con tôm xuất khẩu. Chính vì thế đã giúp cho công ty đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Thêm vào đó, công ty cũng đã tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững với nông dân thông qua mô hình nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC (Chứng nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động).
Cũng giống như Công ty Thái Minh Long, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khác của Bạc Liêu cũng thành công nhờ biến thách thức thành cơ hội.
MỞ RỘNG SẢN XUẤT, NÂNG CAO GIÁ TRỊ
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu xuất khẩu tôm 1 tỷ USD, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp từ nuôi đến chế biến và tiêu thụ.
Đối với nuôi trồng thủy sản, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất ở các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững đồng thời đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm từ tôm.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ để xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023.