Tất cả
Bệnh Tôm
Kỹ thuật
Thị trường

BỆNH HOẠI TỬ GAN TỤY (NHP)

TOMOTA
9:53 20/12/2022

Tên đầy đủ: Bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn (Necrotizing hepatopancreatitis - NHP). NHP còn được gọi là Bệnh Đốm Đen.

Đối tượng nhiễm bệnh: Thường thấy ở Tôm thẻ chân trắng và được báo cáo xuất hiện ở các loài tôm he khác.

DẤU HIỆU LÂM SÀN:

Trên thân tôm nhiễm NHP xuất hiện nhiều đốm đen li ti hoặc các mảng lớn màu tối hoặc đen, đuôi mỏng, có thể có những tổn thương phụ như mòn đuôi và vảy râu, cụt râu…

Tôm bệnh có các biểu hiện như lờ đờ, giảm ăn hoặc bỏ ăn, tốc độ tăng trưởng chậm.

Bệnh có thể thuyên giảm khi tôm lột xác thành công.

Hình 1: Tôm thẻ chân trắng nhiễm NHP có các đốm trắng trên vỏ.

Diện tích các đốm đen có thể khác nhau tùy tình trạng bệnh. Khi bệnh trầm trọng các bộ phận phụ của tôm sẽ càng chuyển sang thâm đen hơn.

Đối với những trường hợp bệnh nặng tôm có ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, bề mặt thân tôm bị đốm đen có thể có mùi hôi.

Nhiễm trùng NHPB được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn I (NHPB xâm nhiễm ống gan tụy với các tế bào biểu mô lân cận) và giai đoạn II (ống gan tụy nhiễm khuẩn nặng, đôi khi là các tế bào máu cũng bị lây nhiễm) được quan sát từ 6 đến 37 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Tôm chết ở giai đoạn III từ 16 đến 51 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh (ống gan tụy hoại tử, tế bào máu nhiễm trùng dày đặc và có sự hiện diện của u hạt).

TÁC NHÂN GÂY BỆNH:

Do vi khuẩn NHPB (Necrotizing hepatopancreatitis bacterium) gây ra. Vi khuẩn gây bệnh NHP hoàn toàn khác với vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.

Vi khuẩn NHPB là một loài vi khuẩn Gram âm, đa hình, đặc tính kí sinh nội bào thuộc lớp Alpha-proteobacteria họ Pseudomonadota.

Hình 2: Hình mô bệnh học tế bào gan tụy của tôm nhiễm NHP cho thấy sự hiện diện của tế bào vi khuẩn NHPB ở 2 dạng hình thái: hình que (mũi tên lớn) và hình xoắn (mũi tên nhỏ).

NHPB có khả năng lây nhiễm tất cả các loại tế bào gan tụy của vật chủ. Bệnh càng tiến triển nặng, tỉ lệ phần trăm các tế bào gan tụy nhiễm NHPB càng tăng.

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN:

Trong thời gian nhiệt độ nước hoặc độ mặn tăng cao, có thể tiến hành kiểm tra số lượng tôm bắt đầu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh như ăn giảm, ruột non trống rỗng, mềm vỏ và teo gan tụy hoặc xuất hiện các đốm đen khắp vỏ.

Có thể xác định sự hiện diện của vi khuẩn NHPB bằng phương pháp mô bệnh học hoặc PCR.

LƯU Ý: Vi khuẩn NHPB là vi khuẩn kí sinh nội bào, không mọc trên các loại thạch kiểm tra bệnh như TCBS hoặc Chromagar. Do đó sàng lọc và xác định mầm bệnh bằng phương pháp trải trên thạch đối với NHP là không chính xác.

CON ĐƯỜNG LÂY LAN DỊCH BỆNH:

Bệnh xảy ra do các điều kiện môi trường ao nuôi kém, đặc biệt là đáy ao bị dơ, các ao nuôi xuất hiện bệnh “đốm đen” thường có hàm lượng các khí độc như NH3, NO2 rất cao. Tỷ lệ chết có thể lên đến 95% trong vòng 15 – 30 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nếu không có bất kỳ biện pháp chữa trị nào được áp dụng ngay tức thời đối với trường hợp ao nuôi ô nhiễm nặng và hàm lượng vi khuẩn trong nước ao nuôi vượt ngưỡng gấp nhiều lần.

Tác nhân gây bệnh có thể có sẵn trong thức ăn cho tôm(chủ yếu đến từ thức ăn có nguồn gốc sinh vật sống, do NHPB là vi khuẩn kí sinh nội bào). NHPB cũng có thể lây truyền qua con đường tôm ăn thịt đồng loại nhiễm bệnh.

XỬ LÝ AO TÔM NHIỄM BỆNH:

NHPB là vi khuẩn, khả năng sống sót trong môi trường không bền như các loại virus hoặc vi bào tử trùng, do đó các biện pháp khử trùng ao nuôi phổ biến có thể hoàn toàn loại bỏ mầm bệnh này còn tồn tại trong ao. Lưu ý tác nhân gây bệnh NHP vẫn có thể nằm trong phân và xác tôm chết, do đó cần dọn sạch những phần rác thải này và không xả chúng ra môi trường trước khi bắt đầu vụ nuôi mới.

PHÒNG TRỊ BỆNH:

Vi khuẩn gây ra NHP có xu hướng thích nhiệt độ nước cao trên 29°C và nồng độ mặn cao (hơn 20–38 ppt). Do đó cần điều chỉnh điều kiện nước để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh này.

Có thể điều trị tôm nhiễm NHP giai đoạn I bằng thức ăn bổ sung kháng sinh oxytetracycline từ 8 đến 10 ngày.

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC:

Vi khuẩn NHPB vẫn chưa được nghiên cứu kĩ và định tên loài, một số tài liệu khẳng định vi khuẩn NHPB thuộc một chi mới trong Lớp Alphaproteobacteria. NHPB còn được mô tả bằng thuật ngữ “Rickettsia-like bacterium” – chỉ một loài vi khuẩn tương tự vi khuẩn Rickettsia. Rickettsia là tên gọi một Chi vi khuẩn chuyên kí sinh nội bào, do đó thuật ngữ Rickettsia-like bacterium này dần được sử dụng để chỉ hầu hết các loài vi khuẩn chưa định danh tính có khả năng kí sinh nội bào trên cơ thể Động vật. Ví dụ tác nhân gây bệnh sữa ở tôm hùm do một loài vi khuẩn cũng được gọi là Rickettsia-like bacterium thuộc phạm trù định nghĩa này gây ra, và rất có ít khả năng có mối liên hệ giữa NHPB và tác nhân gây bệnh sữa ở tôm hùm.

Vi khuẩn NHPB đã được đề xuất tên khoa học Candidatus Hepatobacter penaei vào năm 2013 bởi nhóm nghiên cứu Linda M. Nunan và Donald V. Lightner. Tên này vẫn đang được một số tài liệu mô tả bệnh NHP sử dụng, cho dù chưa chính thức.

Bảng giá tôm

Đơn vị: Nghìn VNĐ - -1 - Cập nhật lúc Invalid date