Tất cả
Bệnh Tôm
Kỹ thuật
Thị trường

BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG (HPM/ EHP)

TOMOTA
9:00 20/12/2022

Tên đầy đủ: Bệnh nhiễm vi bào tử trùng trên gan tụy (Hepatopancreatic Microsporidiosis – HPM). Tại Việt Nam, bệnh hay được gọi bằng tên gọi EHP, bản chất là từ viết tắt của tác nhân gây bệnh kí sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Đối tượng nhiễm bệnh: Tôm sú (Panaeus monodon), Tôm thẻ chân trắng (Panaeus vannamei), Tôm he Nhật Bản (Panaeus japonicus) và nhiều loại tôm khác.

DẤU HIỆU LÂM SÀN:

Biểu hiện rõ rệt nhất của HPM/ EHP là tôm sau 20-30 ngày tuổi, quan sát thấy tôm rất chậm lớn, kích cỡ tôm không đồng đều, có thể đạt trọng lượng từ 3-4g thì ngừng lớn hẳn.

Hình 1: Tôm bị chậm lớn và có kích thước không đồng đều do HPM/ EHP. 

Tôm có hiện tượng mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn, rỗng ruột, phân đứt khúc, đốt ruột cuối bị trống, đường ruột bị cong, bị đục cơ, có nhiều đốm trắng đục trên cơ thể tôm. Tôm có hiện tượng ruột xoắn như lò xo (một vài con), ruột tôm không chặt chẽ.

Tôm nhiễm vi bào tử trùng thường mềm vỏ do không hấp thu được khoáng chất. Tôm chậm lớn và bị lỏng ruột hoặc phân trắng dần kéo theo suy gan, sưng gan. Dạ dày và cơ lưng bụng bị hư tổn nghiêm trọng xuất hiện hiện tượng đục cơ đám mây làm suy giảm chức năng sinh lý của tôm.

Hình 2: Tôm nhiễm EHP có đường ruột không đầy và phân bị đứt khúc và cong hoặc lò xo.

Có các đốm đen trên cuống mắt, trong mô cơ và dọc theo ruột cuối. Nổi hạt gạo trên đốt ruột cuối (mủ đuôi), xoắn ruột. Cuối cùng là hỏng gan, hỏng ruột, ốp thân và chết lai rai.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH:

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). EHP là một loại kí sinh trùng thuộc Ngành Microsporidia – bao gồm các loài kí sinh trùng đơn bào có khả năng sinh bào tử. Kí sinh trùng Microsporidian không có ty thể, cũng không có cơ quan di chuyển như trùng roi.

Bào tử EHP là bào tử đơn nhân, hình bầu dục có kích thước (1,1 ± 0,2 μm × 0,6 ± 0,2 μm). Bào tử của EHP được bao bọc bởi một thành bào tử gồm hai lớp dày đặc: Lớp exospore bên ngoài dày 10nm trong dày 2nm. Lớp thành này có nhiệm vụ bảo vệ bào tử khỏi các điều kiện khắc nghiệt và các tác động bên ngoài từ môi trường. Bào tử của EHP có sức chống chịu rất cao và có khả năng tồn tại bên ngoài vật chủ đến vài năm.

Hình 3: (A) Bào tử Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) từ gan tụy tôm nhiễm bệnh nhuộm bằng haematoxylin và eosin (b) Bào tử EHP dưới kính hiển vi quételectron.

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei có khả năng ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm. Trong quá trình ký sinh nội bào, EHP sử dụng chất dinh dưỡng và năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến tôm nuôi không đủ năng lượng cần thiết cho sự tăng trưởng và lột xác. 

Hình 4: Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei dưới kính hiển vi điện tử.
Hình 5: Vòng đời và con đường lây truyền của EHP. (1) Sự nảy mầm của bào tử, trong đó bào tử đâm thủng màng tế bào chủ và truyền vật chất vào tế bào chủ. (2) Quá trình phân chia hạt nhân để tạo ra một plasmodium phân nhánh. (3) Tiền chất đùn bào tử được hình thành bên trongplasmodium. (4) Plasmodium được phân cắt để tạo ra bào tử. (5) Tế bào chủ bị vỡ để giải phóng bào tử trưởng thành truyền EHP thông qua phân và hiện tượng ăn nhau ở tôm nuôi.

Quá trình xâm nhập của EHP vào tế bào gan tụy trên tôm cũng tương tự sự xâm nhiễm của các bệnh khác ở các tế bào khác như HPV, YHV... EHP khi tiếp xúc với tế bào gan tụy sẽ làm thủng màng plasma của tế bào gan tụy, sau đó bào tử EHP sẽ tiến hành đưa trực tiếp tế bào chất vào trong tế bào. Bên trong tế bào, EHP hấp thụ dinh dưỡng và nhân lên. Sau một thời gian, các tế bào biểu mô của gan tụy tôm sưng lên và cuối cùng bị phá vỡ để giải phóng các bào tử EHP mới trưởng thành. EHP từ đó lan ra các tế bào lân cận.

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN:

Một trong các dấu hiệu nhận biết HPM/ EHP là tôm chậm tăng trưởng biểu hiện qua sự khác biệt rõ rệt về kích cỡ của tôm trong cùng một ao. Trong một số trường hợp nhất định, lưng tôm xuất hiện màu trắng và đi phân trắng, do đó có thể nhầm qua tác nhân gây bệnh của bệnh Phân trắng.

Ở tôm bệnh HPM/ EHP không có các triệu chứng đặc trưng hoặc các dấu hiệu dễ nhầm lẫn qua các bệnh khác (Phân trắng, EMS, AHPND…). Do đó việc phát hiện sự hiện diện của vi bào tử trùng EHP chủ yếu thông qua kính hiển vi hiện đại, quan sát mô bệnh học và các phương pháp sinh học phân tử. Một số phương pháp phát hiện EHP ở tôm được các nhà nghiên cứu áp dụng bao gồm PCR và LAMP.

CON ĐƯỜNG PHÁT SINH VÀ LAN TRUYỀN BỆNH:

HPM/ EHP có thể lây trực tiếp theo chiều ngang qua việc ăn thịt đồng loại và theo chiều dọc qua bố mẹ sang con cái. Ngoài ra, do bào tử từ ký sinh trùng thoát ra ngoài theo phân của tôm, nên nước và lớp trầm tích đáy ao cũng có khả năng là môi trường truyền bệnh.

Mặc dù không cần vật trung gian để lây lan, nhưng một số nghiên cứu cho thấy EHP cũng xuất hiện trong giun nhiều tơ (giun chỉ) hoặc sinh vật phù du, từ đó xâm nhập vào ao theo đường đất hoặc thức ăn cho tôm.

XỬ LÝ AO TÔM NHIỄM BỆNH:

Khi phát hiện tôm giống có nhiễm EHP, cần loại bỏ đàn giống đã nhiễm EHP và khử trùng khu vực sản xuất ương dưỡng giống, dụng cụ; điều tra xác định nguồn bệnh để xử lý kịp thời cắt đứt con đường xâm nhập, lây truyền bệnh. Cần lưu ý loại vi bào tử trùng này hiện chưa có thuốc diệt, đặc biệt clorine ở nồng độ đến 90 – 100 ppm vẫn không có khả năng tiêu diệt loại bào tử này.

Nếu ao bị bệnh xuất hiện EHP thì có thể làm sạch bào tử trong ao bằng cách cho vôi hoặc CaO với nồng độ 6 tấn/ha sau đó cày xới đất 10-12 cm, cuối cùng dẫn nước vào ngâm. Ao cần được ngâm khoảng 1 tuần trước khi phơi khô, lúc đó độ pH của đất đáy ao sẽ tăng lên 12 và có khả năng tiêu diệt bào tử EHP.

PHÒNG TRỊ BỆNH:

Cần đảm bảo rằng nguồn cung cấp ấu trùng Postlarvae âm tính với HPM/ EHP bằng phương pháp PCR và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học thích hợp trước và sau khi thả giống để ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Khuyến cáo chủ động test EHP khi tôm được 30 ngày tuổi và 60 ngày tuổi hoặc khi thấy dấu hiệu nghi ngờ tôm bị bệnh EHP. Xét nghiệm EHP bằng phương pháp PCR thường cho kết quả rất chính xác.

Nên loại bỏ bùn đáy ao khi cải tạo ao để loại bỏ nguồn bào tử EHP tiềm ẩn.

Trong suốt quá trình nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học (probiotics) phù hợp để ngăn chặn sự tích tụ của vật chất hữu cơ dưới đáy ao nuôi. Đồng thời, nên kết hợp với biện pháp thay nước để giảm tối đa sự tích tụ của vật chất hữu cơ trong ao nuôi nhằm hạn chế sự phát triển của các bào tử EHP lây nhiễm trên tôm. Duy trì hàm lượng vật chất hữu cơ tích tụ trong ao ở mức tối thiểu là biện pháp quan trọng để hạn chế sự bùng phát của bệnh vi bảo tử trùng - EHP.

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC:

Trong ao nuôi, HPM/ EHP và WFS có thể hiện diện trong cùng một lúc hoặc ao có thể ngừng bị phân trắng nhưng khi kiểm tra tôm vẫn bị nhiễm EHP. Hơn nữa, phân trắng có thể do nhiều các nguyên nhân khác gây ra như nhiễm trùng gregarine nặng, do vi khuẩn, tảo hay nền đáy. Do đó, việc quan sát thấy có phân trắng không hẳn sẽ tìm thấy tác nhân gây bệnh HPM/ EHP. Có thể tiến hành kiểm tra sự hiện diện của EHP trong các sợi phân trắng bằng kính hiển vi để giúp phân biệt giữa nhiễm EHP hoặc gregarine và có thể kiểm tra bằng phương pháp mô học khi thực hiện quan sát bằng kính hiển vi không đạt hiệu quả.

Trong thực tế, EHP phổ biến hơn ở các ao nuôi thương phẩm có độ mặn cao (>15 ppt) so với các ao nuôi thương phẩm có độ mặn thấp (<5 ppt). Vì tôm thẻ chân trắng là loài rộng muối(tức có thể sống được từ độ mặn thấp cho đến độ mặn cao), vì vậy các nhà khoa học đã từng làm thí nghiệm kiểm chứng xem liệu EHP có thể lây nhiễm ở điều kiện độ mặn thấp hay không. Kết quả thí nghiệm cho thấy phân tôm là một trong những nguồn lây EHP chính. Việc truyền nhiễm EHP có thể xảy ra ở độ mặn thấp dưới 2 ppt, tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm, tốc độ nhiễm và mức độ nghiêm trọng của EHP sẽ cao hơn ở các ao nuôi có độ mặn cao, từ 25 – 30 ppt.

Bảng giá tôm

Đơn vị: Nghìn VNĐ - -1 - Cập nhật lúc Invalid date