Tất cả
Bệnh Tôm
Kỹ thuật
Thị trường

BỆNH ĐEN MANG

TOMOTA
10:42 20/12/2022

Tên đầy đủ: Bệnh đen mang ở tôm (Black gill disease hay black death).

Đối tượng nhiễm bệnh: Tôm thẻ, Tôm sú và Tôm càng xanh.

DẤU HIỆU LÂM SÀN:

Tôm có triệu chứng thiếu oxy, tấp mé, bơi lờ đờ trên mặt nước, tôm mắc bệnh bệnh thường lờ đờ, ít hoạt động. Tôm giảm ăn, chậm lớn, còi cọc và chết.

Mang tôm ban đầu chuyển từ màu đỏ đến màu nâu sáng, ở giai đoạn nhiễm bệnh nặng mang tôm có màu đen đặc trưng của bệnh. Các mô ở mang bị tổn thương, toàn bộ tơ mang bị phá hủy.

Hình 1: Triệu chứng đen mang ở tôm bệnh. 
Hình 2: Bệnh đen mang do môi trường ô nhiễm.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH:

  • Môi trường ao nuôi bị ô nhiễm do hàm lượng thức ăn dư thừa, xác tảo, chất thải hữu cơ tích tụ lâu ngày dưới đáy ao khiến nồng độ các khí độc cao như: NH3, NO2, H2S cao làm cho sắc tố Melanin tích tụ tại mô của mang tạo thành hiện tượng đen mang.
  • Do tảo, rong, vi sinh vật, vi khuẩn lơ lửng trong nước bám vào mang tôm. Nước ao tôm có mật độVibrio cao cũng có thể là tác nhân gây bệnh đen mang.
  • Nhiễm nấm Fusarium solani, Aspergillus flavus hoặc một số loại nấm sợi thường xuất hiện trong điều kiện nuôi thủy sản có mật độ chất hữu cơ cao.
Hình 3: Bào tử nấm Fusarium solani từ mẫu tôm nhiễm bệnh. 
  • Nhiễm ký sinh trùng, ví dụ “Hyalophysa chattoni” (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa).
  • Điều kiện môi trường nước ao nuôi ô nhiễm hoặc có nồng độ pH thấp, có nhiều ion kim loại nặng (sắt, nhôm), muối của các kim loại này kết tụ trên mang của tôm làm đen mang.
  • Môi trường nước thiếu tảo, thiếu Vitamin C và các loại khoáng chất thiết yếu cũng có hiện tượng bị đen mang và các đốm đen trên khắp cơ thể.

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN:

Đối với tôm bị đen mang do nhiễm nấm Fusarium hoặc Aspergillus, có thể tiến hành phân lập mẫu nấm từ mang tôm bằng cách lấy mẫu cấy trên thạch PDA (Potato dextrose agar) bổ sung Streptomycin sulfate (25 µg/ ml) và ủ ở 25oC trong 2-4 ngày. Nếu trên thạch mọc lên các cụm tơ nấm sợi là dấu hiệu tôm đã bị nhiễm nấm ở mang.

Trong trường hợp tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio làm đen mang, mẫu từ mang tôm có thể được trải trên thạch TCBS để kiểm chứng sự hiện diện của nhóm vi khuẩn này.

CON ĐƯỜNG LÂY LAN BỆNH:

Bệnh đen mang của thường xuất hiện ở những ao nuôi có mật độ cao, không đủ thông thoáng, không thay nước thường xuyên và ít sử dụng vi sinh xử lý đáy ao. Các chỉ số ô nhiễm của nước quá cao sẽ dẫn đến sự hình thành của các tác nhân gây bệnh.

Đối với tác nhân gây bệnh là điều kiện nước nuôi ô nhiễm, bệnh giới hạn trong khu vực ao nuôi và có thể được ngăn chặn sau khi cải tạo ao hoặc thay đổi quy trình xử lí nước ao. 

Tuy nhiên nếu tác nhân gây bệnh Vibrio và nấm sợi, bệnh có thể lây truyền thông qua nguồn nước xả ô nhiễm hoặc xác tôm mang bệnh chết. Trường hợp nhiễm kí sinh trùng và Vibrio, bệnh còn có thể lây truyền qua đường tôm ăn thịt đồng loại.

XỬ LÝ AO NHIỄM BỆNH:

Đối với ao tôm bị bệnh do ô nhiễm, cần thay nước và điều chỉnh lại độ pH cũng như nguồn kim loại nặng có trong nước. 

Ao tôm cũng cần được dọn sạch để không còn các vật chất hữu cơ tồn đọng.

Trường hợp tôm bị đen mang do vi sinh vật, sau khi xả nước cần phơi đáy ao trước khi thả tôm giống, phơi khô trong 2 tuần để tiêu diệt các sinh vật gây bệnh, nấm, vi khuẩn cùng với các chất hữu cơ còn lại. Sau đó, cho nước vào ao với độ mặn 10 - 20 ppt (đã được lọc) và phơi nước trong ao từ 3 đến 4 ngày trước khi thả tôm.

PHÒNG TRỊ BỆNH:

Nếu bệnh xảy ra do pH của nước thấp, nếu trong nước có nhiều ion kim loại nặng (nhôm, sắt) thì có thể dùng vôi với liều lượng 20kg/1000m3 nước để tăng pH, ngoài ra cũng có thể dùng natri thiosunfat để hấp thụ kim loại nặng.

Cần dọn ao kỹ trước khi thả tôm, trong thời gian thả định kì siphon đáy ao (nếu có), sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn định kì để hạn chế vi khuẩn có hại, nấm, kí sinh trùng xâm nhập vào ao nuôi. Có thể bổ sung men vi sinh thường xuyên để tạo hệ lợi khuẩn xử lí bùn bã hữu cơ, giảm mật độ chất hữu cơ tích lũy trong ao, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển khỏe mạnh.

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC:

Sự xuất hiện của bệnh đen mang ở tôm có thể liên quan đến một số yếu tố về thời tiết hay khí hậu (lượng mưa, độ mặn của nước biển, lượng kim loại nặng trong nước, nhiệt độ, …). Do đó một số nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu sự liên hệ của bệnh với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện tượng đen mang ở tôm do kí sinh trùng hoặc nấm là do hệ miễn dịch của tôm phản ứng lại với tác nhân gây bệnh bằng cách tăng cường sự tổng hợp melanin tại các mô bị xâm nhiễm (quá trình gọi là Branchiostegite melanization), từ đó giới hạn lại tác nhân gây bệnh trong khu vực các mô bị melanin hóa này.

Bảng giá tôm

Đơn vị: Nghìn VNĐ - -1 - Cập nhật lúc Invalid date