Tất cả
Bệnh Tôm
Kỹ thuật
Thị trường

BỆNH PHÂN TRẮNG (WFD/WFS)

TOMOTA
9:42 20/12/2022

Tên đầy đủ: Bệnh phân trắng trên tôm (White Feces Syndrome – WFS hay White Feces Disease - WFD).

Đối tượng nhiễm bệnh: Tôm sú, Tôm thẻ chân trắng và một số loại tôm nuôi tại khu vực châu Á khác.

DẤU HIỆU LÂM SÀN:

Bệnh Phân trắng thường xuất hiện vào giai đoạn tôm ở 40 – 70 ngày tuổi. Dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh là sự xuất hiện của các sợi phân trắng nổi trên bề mặt ao nuôi.

Hình 1: Một số dấu hiệu của bệnh Phân trắng trên tôm. (A)(B) Các sợi phân trắng nổi trên mặt nước và khay cho ăn. (C) Ruột tôm bệnh có màu trắng. (D) Ruột tôm bệnh cũng có thể có màu vàng nâu. (E) Phân trắng quan sát dưới kính hiển vi.

Tôm mắc bệnh có gan tụy co lại và có màu trắng đục hoặc nhợt nhạt, ruột rỗng có màu vàng hoặc trắng, giảm ăn và tốc độ tăng trưởng giảm.

Tôm nhiễm bệnh sẽ có màu sẫm hơn (đặc biệt là trên mang) và thân mềm nhũn. Vỏ tôm lỏng lẻo và không bám sát phần thịt.

Tôm mắc bệnh Phân trắng có hệ thống gan tụy và đường ruột tổn thương làm suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan này, do đó vậy tôm không hấp thụ được thức ăn và suy yếu. Thêm vào sự tấn công của các nhân tố gây bệnh cơ hội khác sẽ khiến tôm chết.

Hình 2: Ruột tôm màu trắng có thể quan sát được trong thân cá thể tôm nhiễm bệnh mà không cần mổ tôm để kiểm tra.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH:

Bệnh phân trắng thường xảy ra tại giai đoạn nuôi tôm từ 2 tháng trở lên, có thể làm giảm năng suất 20-30% và giảm giá trị sống. Tỉ lệ tử vong của tôm mắc bệnh này có thể đạt đến 60%.

Bệnh Phân trắng không đến từ một tác nhân gây bệnh đơn lẻ, có thể là kết quả của sự kết hợp nhiều tác nhân cùng lúc. Trong một số trường hợp, một tác nhân sẽ làm tôm suy yếu trước mở đường cho các tác nhân khác tấn công và làm tôm chết.

Cho đến nay, các tác nhân có thể gây bệnh Phân trắng trên tôm được tổng hợp và phân loại theo các nhóm sau:

Nguồn thức ăn: Thức ăn cho tôm kém chất lượng, chứa tạp chất hoặc bị nấm mốc, độc tố do nấm mốc sinh ra trên thức ăn sẽ gây ngộ độc và làm tôm mắc bệnh Phân trắng. Bệnh càng trầm trọng ở những ao có lượng thức ăn dư thừa cao.

Do ký sinh trùng Gregarine: Gregarine (hay còn gọi là ký sinh trùng hai roi) là nhóm sinh vật nguyên sinh (protozoa) xâm nhập vào tôm khi chúng ăn phải những vật chủ trung gian. Khi xâm nhập vào cơ thể tôm, Gregarine sẽ bám vào thành ruột của tôm, gây tổn thương ruột dẫn đến hiện tượng phân trắng.

Hình 3: Kí sinh trùng gregarine thu thập từ mẫu Tôm sú (Penaeus monodon). Chú thích: N: nhân tế bào, P: protomerite – tế bào phía trước, D: deutomerite – tế bào phía sau.

Do nhóm vi khuẩn Vibrio: nhóm vi khuẩn Vibrio thường thấy trong môi trường nước nuôi tôm, có thể được tìm thấy trong hệ thống gan tụy, đường ruột và phân tôm. Các loài vi khuẩn Vibrio gây bệnh phân trắng có thể là Vibrio parahaemolyticus, Vibrio fluvialis, Vibrio alginolyticus, Vibrio mimicus, Vibrio vulnificus, Vibrio cholera  Vibrio damselae

Tảo độc: Tôm ăn phải các loại tảo độc như: tảo lam, tảo giáp… trong ruột các loại tảo này tiết ra một số chất gây độc có khả năng làm tê liệt biểu mô, khiến ruột tôm không hấp thụ được thức ăn và không tiêu hóa được, dẫn đến tình trạng ruột bị tắc nghẽn gây bệnh. Một số loại tảo Silic diatom có lớp vỏ cứng sắc nhọn khi chết, khi tôm ăn vào cũng khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương.

PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN:

Kiểm tra thấy có sự xuất hiện phân tôm màu trắng nổi trên mặt nước, dọc bờ ao, góc ao, cuối hướng gió.

Tôm có dấu hiệu bỏ ăn, quan sát đường ruột tôm thấy trống thức ăn hoặc thức ăn bị đứt quãng. Có thể quan sát thấy sự hiện diện của kí sinh trùng Gregarine và Enterocytozoon trong ruột.

Kiểm tra bằng phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng quan sát thấy gan bị tổn thương, tế bào gan bị chết và bong ra từng mảng.

Do không phải chỉ có một tác nhân duy nhất gây bệnh Phân trắng, do đó không có bộ kit xét nghiệm hay quy trình xét nghiệm cụ thể.

CON ĐƯỜNG PHÁT SINH VÀ LAN TRUYỀN BỆNH:

Bệnh có thể bùng phát khi mật độ tảo phát triển mạnh trong ao. Các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp, tảo mắt có thể xuất hiện trong ao khi nồng độ các chất hữu cơ cao hơn 100 ppm. 

Điều kiện ao bất lợi cho tôm, bao gồm độ kiềm < 80 ppm hoặc > 200 ppm, nồng độ oxygen < 3 ppm trong thời gian dài. Nhiệt độ > 32°C cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh phân trắng.Ở nhiệt độ này tôm có nhu cầu ăn nhiều hơn nhưng lại không hấp thụ hết các chất dinh dưỡng, quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh, tôm ăn nhiều nhưng không hiệu quả, đồng thời còn làm gia tăng lượng chất thải trong ao nuôi. Trong điều kiện nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn.

Mật độ tổng các loài Vibrio trong ao cao hơn 102 CFU/ml.

Lớp bùn lắng dưới đáy ao có thể là ổ vi khuẩn tích tụ gây truyền bệnh phân trắng.

XỬ LÝ AO NHIỄM BỆNH:

Nếu ao bị nhiễm bệnh có thể giảm ngay lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn tạm thời, tăng cường sục khícho ao.

Tìm cách giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài. Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm).

Có thể thay nước 30 – 50% (nước đã được xử lý kỹ, thay chậm để tránh làm tôm bị sốc).

PHÒNG TRỊ BỆNH:

Phân trắng là bệnh thường gặp ở tôm, nhất là đối với tôm nuôi ở mô hình thâm canh có mật độ cao hay nuôi theo quy trình ít thay nước. Do có nhiều nguyên nhân gây bệnh, không có thuốc hoặc biện pháp hoàn toàn đặc trị cho bệnh. Do đó cần theo dõi tình trạng môi trường ao chặt chẽ để ngăn ngừa sự nảy sinh mầm bệnh và có biện pháp xử lí kịp thời. 

Thường xuyên theo dõi, đo đạc các chỉ số nước ao nuôi tôm để đưa ra các điều chỉnh hợp lý khi chỉ tiêu vượt mức.

Tăng cường dùng vi sinh để xử lý nước và đáy ao (liều lượng gấp 3 lần bình thường).

Giảm số lượng đàn, giảm sự tích tụ chất hữu cơ trong nước bằng cách thay nước, sử dụng clo và/hoặc hydrogen peroxide trong quá trình chuẩn bị nước, duy trì chất lượng nước và kiểm soát việc cho ăn hợp lý, không bị thừa thức ăn quá nhiều.

Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe của tôm như vitamin và khoáng chất thiết yếu. Có thể trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh có lợi).

MỘT SỐ THÔNG TIN KHÁC:

Một số tài liệu mô tả “ký sinh trùng Vermiform” là một loại kí sinh trùng gây bệnh phân trắng và đánh đồng với Gregarine. Tuy nhiên thực tế Vermiform là một cấu trúc có nguồn gốc từ các microvilli của tế bào biểu mô tìm thấy trong ống gan tụy tôm. Khi soi tươi Vermiform có hình dạng gần giống ký sinh trùng (giống Gregarine), tuy nhiên đây không phải sinh vật sống và không có các chức năng của sinh vật sống (không di động, không có nhân và cấu trúc bám Epimerite như Gregarine). Nguyên nhân hình thành Vermiform đến nay vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng có bằng chứng cho thấy Vermiform là một biểu hiện bệnh lý chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.

Bảng giá tôm

Đơn vị: Nghìn VNĐ - -1 - Cập nhật lúc Invalid date