CÀ MAU ĐẨY MẠNH SẢN LƯỢNG TÔM PHỤC VỤ MÙA CHẾ BIẾN XUẤT KHẨU CUỐI NĂM
Với mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi trên toàn tỉnh đạt 1,3 tỷ USD trong năm nay, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đang nỗ lực chỉ đạo các sở ngành và địa phương kịp thời có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Bảy tháng đầu năm 2023, tổng ước tính kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh Cà Mau đạt 690 triệu USD, đạt 53,1% kế hoạch được đề ra đầu năm và giảm 17,3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng tôm của toàn tỉnh đạt 145.522 tấn, tương đương 59,9% kế hoạch đã đề ra và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong đó 2 loại hình nuôi tôm là nuôi thâm canh và siêu thâm canh phát triển khá ổn định. Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm thâm canh đạt hơn 1.738 ha, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt gần 4.642 ha.
Tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển ổn định diện tích nuôi trồng, đặc biệt là tập trung gia tăng sản lượng và chất lượng tôm nuôi kết hợp với bảo vệ môi trường. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng không quên khuyến cáo doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tính toán để giảm bớt các chi phí đầu tư và có thêm lợi nhuận thông qua việc giảm tiếp xúc với các khâu trung gian. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và hướng nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế (ASC) để nâng cao chất lượng, năng suất và giá trị sản phẩm nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của con tôm Cà Mau khi đến với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp cần có sự liên kết hợp tác chặt chẽ lâu dài theo hướng đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là có giải pháp ổn định đầu ra cho bà con nuôi tôm. Về phía Bộ ngành cũng sẽ chú trọng tích cực hỗ trợ người nuôi tôm phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế, …
Ông Dương Vũ Nam - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp rà soát, xây dựng phương án và kế hoạch kinh doanh gắn với việc áp dụng cải tiến công nghệ, đổi mới dây chuyền cũng như máy móc thiết bị sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa khi đưa ra thị trường để phục vụ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng thường xuyên cập nhật tình hình biến động thị trường cung cầu thế giới và các thông tin từ các đối tác nhập khẩu để có thể kịp thời chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, nắm bắt diễn biến thị trường, củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới và không quên nắm bắt cơ hội ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để thực hiện mở rộng và phát triển thị trường.