KIÊN GIANG: CẤP HÀNG NGÀN MÃ SỐ NHẬN DIỆN CHO CƠ SỞ NUÔI TÔM NƯỚC LỢ
Mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm là yếu tố đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu tôm, không chỉ nâng cao giá thành, tăng cao thu nhập mà còn giúp tăng giá trị kinh tế cho ngành hàng tôm. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh đã có 27.560 cơ sở nuôi tôm được cấp mã xác nhận này, tương đương đạt được 80% kế hoạch đề ra.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 34.650 cơ sở nuôi tôm trên 42.900 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với 3 loại hình nuôi trồng chính đó là tôm - lúa, quảng canh - quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp. Phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tập trung tại vùng Tứ giác Long Xuyên gồm các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và thành phố Hà Tiên, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tại vùng U Minh Thượng chủ yếu phát triển 2 mô hình nuôi tôm - lúa và nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến với đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm càng xanh.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, địa phương vẫn đang đốc thúc và tiến hành hướng dẫn bà con hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để cấp mã số nhận diện. Ngoài ra Đơn vị chức năng cũng phân công cán bộ phụ trách đến từng địa phương để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn chi tiết của người dân trong quá trình thực hiện cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm và gửi đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang.
Cấp mã số nhận diện ngoài giúp truy xuất nguồn gốc tôm còn giúp tỉnh nắm chính xác thông tin diện tích, sản lượng hàng năm, đẩy nhanh số hóa vùng nuôi và kịp thời có những giải pháp chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ phù hợp. Đặc biệt, điều này còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho con tôm Kiên Giang rộng đường xuất khẩu ra nước ngoài hơn.
Với mục tiêu đến cuối năm 2023, hoàn thành 100% kế hoạch cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, tỉnh Kiên Giang kết hợp Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị huyện và thành phố tập trung hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện hoàn thiện cấp mã số như quy định. Đồng thời, thành lập đoàn thanh tra đến từng địa phương để xử lý và giải quyết các trường hợp không chấp hành sau khi đã được chính quyền địa phương tuyên truyền và nhắc nhở.